Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
|
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai là việc chỉ đạo, chỉ huy, tham mưu chỉ đạo, chỉ huy để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ tính mạng con người, tài sản trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ thường trực 24/24 giờ.
Về thời giờ làm việc bình thường, đối với công việc thường trực phòng chống thiên tai tại Văn phòng, thời giờ làm việc bình thường không quá 12 giờ trong 1 ngày. Đối với công việc phòng chống thiên tai tại hiện trường, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày.
Căn cứ vào tình hình thực tế và nhân lực của cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành Quy chế thường trực tại Văn phòng trong đó quy định cụ thể thời gian, số lượng, thành phần và nhiệm vụ thường trực cho người lao động và thông báo cho người lao động trước khi đến làm việc.
Về làm thêm giờ trong trường hợp bình thường, theo dự thảo, thời gian làm việc ngoài thời gian theo quy định trên được tính là thời gian làm thêm giờ. Tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 4 giờ trong 1 ngày. Số giờ làm thêm của người lao động trong năm không vượt quá 300 giờ trong 1 năm.
Về làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt, theo dự thảo, trường hợp đặc biệt trong phòng chống thiên tai là việc huy động nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ thường trực trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để bảo vệ tính mạng con người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ thời gian nào và người lao động không được từ chối trong trường hợp đặc biệt. Số giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt không bị tính vào giới hạn số giờ làm thêm trong ngày và trong năm.
Người sử dụng lao động và người có thẩm quyền huy động người lao động phải trả lương và các chế độ khác về làm thêm giờ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Thời giờ nghỉ ngơi
Theo dự thảo, người lao động làm việc liên tục 12 giờ hoặc 8 giờ được nghỉ giữa giờ tối thiểu là 60 phút, tính vào thời giờ làm việc. Trong thời gian nghỉ giải lao, người lao động không được rời khỏi nơi thường trực.
Người lao động thực hiện nhiệm vụ thường trực phòng chống thiên tai tại Văn phòng và nhiệm vụ phòng chống thiên tai tại hiện trường được nghỉ và được hưởng nguyên lương như sau: Đối với nhiệm vụ thường trực tại Văn phòng, sau mỗi ngày thường trực, được bố trí nghỉ bù 1 ngày vào ngày liền kề; đối với nhiệm vụ phòng chống thiên tai tại hiện trường, được nghỉ bù số ngày đúng bằng số ngày thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai tại hiện trường.
Trường hợp cơ quan, đơn vị sử dụng lao động do yêu cầu công việc mà không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian cho người lao động thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành. Số thời gian không bố trí nghỉ bù và được trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động trong trường hợp này không tính vào tổng số giờ làm thêm trong năm.